Bố mẹ của John Claypool có được chiếc máy giặt đó khi John còn là một
cậu bé. Chuyện xảy ra vào thời điểm Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Lúc
đó, gia đình John không hề có máy giặt, và vì xăng dầu rất khan hiếm,
nên họ cũng không thể có xe mà cứ phải đi bộ tới chỗ giặt quần áo cách
nhà hàng dặm đường. Giữ cho quần áo sạch đã trở thành một trách nhiệm
quan trọng, cả một vấn đề đối với mỗi thành viên trong gia đình John.
Rồi
một người bạn của gia đình phải đi xa một thời gian, và vợ anh ta cũng
đi cùng. Gia đình John nhận giữ đồ đạc của họ trong khi họ đi vắng.
Trước sự ngạc nhiên của cả gia đình, người bạn đó đề nghị họ sử dụng
chiếc máy giặt của gia đình mình.
“Để nó hoạt động thì tốt
hơn”– người bạn nói – “chứ cứ bỏ không thì cũng gỉ hết cả rồi lại
hỏng”. Và đó là lý do mà gia đình nhà John có được cái máy giặt.
John
bé nhỏ rất thích giúp bố mẹ giặt quần áo bằng chiếc máy giặt, và qua
vài năm, cậu bé dần dần rất yêu quý chiếc máy cũ màu xanh đó. Thế nhưng
cuối cùng nhiệm kỳ công tác của người bạn của gia đình cũng kết thúc.
Những
người bạn quay trở về. Trong suốt khoảng thời gian đó, John đã quên mất
rằng lúc ban đầu chiếc máy giặt đã đến với gia đình mình thế nào. Vì
vậy, khi những người bạn của bố mẹ đến đem máy giặt đi, John buồn bã
kinh khủng – và ai cũng nhận thấy điều đó.
Mẹ của John gọi cậu
đến ngồi cạnh và bảo: “Con trai ạ, con cần nhớ rằng, ngay từ đầu, chiếc
máy đó đã chưa bao giờ thuộc về chúng ta. Rằng việc chúng ta được sử
dụng nó, dù trong thời gian ngắn hay dài, cũng đã là một món quà rồi.
Vì vậy, thay vì giận dỗi khi máy bị đem đi, con hãy dùng chính cơ hội
này để biết ơn vì chúng ta đã từng được sử dụng máy giặt vào lúc chúng
ta rất cần nó”.
Bài học của người mẹ thông thái đã được chứng minh là một điều vô giá.
Nhiều
năm sau đó, John phải nhìn cô con gái 8 tuổi của mình chết dần chết mòn
vì bệnh bạch cầu. Dù đã cố gắng trong suốt nhiều tháng kể từ khi con
gái ra đi, nhưng John không thể cảm thấy đỡ hơn một chút nào, không thể
vượt qua được sự mất mát. Cho đến khi anh nhớ lại câu chuyện về chiếc
máy giặt cũ màu xanh.
“Mình phải chứng tỏ rằng mình đã hiểu” –
anh viết vào nhật ký – “rằng đây là cách duy nhất để vượt qua ngọn núi
của mất mát và đau khổ này. Mình phải nhớ rằng Laura Lou là một món
quà, một món quà đơn giản và trong sáng, một món quà mà mình không
giành được hoặc có toàn quyền quyết định được. Và mình phải nhớ rằng
cách phản ứng phù hợp với một món quà, ngay cả khi nó bị đem đi, là
lòng biết ơn. Như thế thì mình sẽ không phải đau khổ, mà cần cảm ơn
cuộc sống vì mình đã từng nhận được Laura Lou”.
John quyết định
nhận thức rằng con gái anh được cuộc sống trao tới để anh yêu thương và
nuôi nấng. Cô bé không bao giờ thuộc về anh hoàn toàn, nhưng anh đã
nhận được món quà là chia sẻ cuộc sống với cô bé trong một thời gian.
Khi
John nhận ra thực tế giản dị này, mọi thứ đều thay đổi. Anh bắt đầu
vượt qua được bi kịch của bản thân bằng cách nghĩ đến những điều tuyệt
vời mình có trong cuộc sống, cũng như những điều tuyệt vời anh từng
được trải qua khi có Laura Lou ở bên cạnh. Laura Lou là một món quà mà
anh đã đủ may mắn để có được trong một thời gian. John bắt đầu tìm thấy
sức mạnh và sự hàn gắn. Cuối cùng, anh đã có thể vượt qua sự mất mát.
Cuộc sống có biết bao món quà tuyệt diệu, bạn có đủ tâm sức để nhận ra?Tất
cả chúng ta đều phải trải qua mất mát vào thời điểm nào đó trong cuộc
sống – mất mát về con người, về sự nghiệp, về các mối quan hệ, về lòng
tự tin, về cái tôi, về đủ mọi thứ. Sẽ thế nào nếu bạn coi những thứ bị
mất là một món quà mà bạn đã đủ may mắn để được nhận trong một thời
gian?
Có thể cách lựa chọn suy nghĩ đơn giản đó, để nhìn sự
mất mát theo một cách khác, sẽ thay đổi những buồn bã thành những ý
nghĩ biết ơn. Và có thể nó sẽ giúp bạn vượt qua được điểm-mắc-kẹt để
quay trở lại con đường bình phục, lấy lại tinh thần, để sống tiếp thật
trọn vẹn và lạc quan.