Không nhiều ca sĩ hát chạm được vào đáy cảm xúc những sáng tác của Trịnh Công Sơn và làm người ta quên đi những tên tuổi đã gắn với dòng nhạc này trong đêm “Ở trọ trần gian” được tổ chức tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, tối 28/11.
Mỹ Linh nhận thấy cô hợp với những sáng tác mang phong cách phương Tây, nghiêng "dương" hơn là nhạc Trịnh nghiêng "âm".
Thật khó để đòi hỏi những giọng ca mới bước qua được các gương mặt cũ khi hát các sáng tác của Trịnh Công Sơn bởi nhạc Trịnh là dòng nhạc rất kén người hát. Ca sĩ không những phải có chất giọng mà còn phải đi được vào tâm bài hát, nói cách khác là thấu hiểu được tâm hồn cố nhạc sĩ. Những người từng thành danh ở dòng nhạc Trịnh như Khánh Ly, Hồng Nhung, Trịnh Vĩnh Trinh đều ít nhiều có mối liên hệ mật thiết với Trịnh Công Sơn, cảm được triết lý Phật giáo nhưng vẫn gắn bó mật thiết với cuộc đời mà ông mang theo trong suốt 69 năm ở "cõi tạm". Điều đó quy định cho nhạc Trịnh sự thảnh thơi, chậm rãi, nhẹ nhàng tưởng nhẹ như bấc mà thực ra nặng như chì, nghiêng về "âm" trong khi đa phần các ca sĩ hiện đại hát nghiêng về "dương" với sự trình diễn và trang phục, không đi được vào bên trong ca từ.
Lô Thủy thiếu một chút "sắc" trong cả dung mạo và giọng hát để sánh với Khánh Ly khi hát nhạc Trịnh.
Trịnh Công Sơn sáng tác nhẹ nhàng như lấy chữ từ túi ra, như ngôn từ bật lên từ cảm xúc, không phải dụng công nhiều. Chính sự đơn giản ấy lại làm khó các ca sĩ. Ngay cả Mỹ Linh cũng “ngại” hát nhạc Trịnh. Giọng ca Tóc ngắn cho biết, cô ít hát nhạc Trịnh vì cô biết mình hát không thể nào sánh với Khánh Ly, Hồng Nhung. Bản thân cô thích nghe nhạc Trịnh hơn là hát vì cho rằng "lý trí ngăn người ta làm những việc như đòi đập thành Rome để xây cái mới bởi bản thân cái cũ đã quá hoàn hảo". Diva nhạc Việt ý thức rằng chất giọng của cô hợp với âm nhạc mang phong cách phương Tây hơn. Dù vậy, sự trở lại của Mỹ Linh sau 16 năm hát nhạc Trịnh vẫn được coi là điểm sáng của đêm “Ở trọ trần gian” khi cô hát Như cánh vạc bay, Đêm thấy ta là thác đổ. So với khi 18 tuổi, giọng ca Mỹ Linh không còn ngây ngô, bắt khớp được từng bậc cao thấp songg cách hát vẫn giữ được sự nồng nàn cảm xúc.
Tuy nhiên, người gây nhiều cảm xúc nhất trong đêm nhạc Trịnh không phải Mỹ Linh mà là Lô Thủy bởi sự biểu đạt mãnh liệt thân phận con người. Không gượng ép, Lô Thủy vẫn khiến khán giả nhớ về Khánh Ly từ chất giọng khàn, cách hát dửng dưng không vồ vập vào đau đớn, cách lấy hơi khi vào đầu Gọi tên bốn mùa ở “Em đứng lên gọi tên mùa hạ”.
Ái Vân gợi cảm trên sân khấu.
Việc chọn Lô Thủy mào đầu đêm diễn sau ca khúc chủ đề Ở trọ biểu diễn khá nhạt nhòa của top ca nữ Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam đã đẩy được cảm xúc đêm nhạc lên nhưng tiếc rằng, cảm xúc đó không duy trì được lâu. Khán giả đắm đuối trong giọng hát Tấn Minh ở Lặng lẽ nơi này nhất là ở khúc ngân rộng "chút tình xa vắng", chấp nhận Ái Vân với sự ưu ái cho một gương mặt khả ái lần đầu hát nhạc Trịnh, thoắt tươi vui trong Quỳnh Hương chợt đầy da diết trong Nhớ mùa thu Hà Nội và thất vọng khi Tuấn Hiệp hát Em còn nhớ hay em đã quên. Giọng ca chuyên nhạc tiền chiến của Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương hát giọng rất đều, không chút cảm xúc. Nhóm Con Gái hát Để gió cuốn đi quá dương, quá rộn ràng. Phương Anh biểu diễn Em đi bỏ lại con đường, Em hãy ngủ đi nặng về biểu đạt cảm xúc bên ngoài mà không toát được tâm trạng bên trong. Thái Thùy Linh không khiến những người từng nghe quen Đóa hoa vô thường của Hồng Nhung bị chinh phục. Màn kết lại chương trình với Hãy yêu nhau đi của top ca Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam không thành công hơn phần biểu diễn của top ca nữ phần mở đầu buổi diễn.
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc. * Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết. * Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.
-Nếu chèn smilies có vấn đề thì bấm A/a trên phải khung viết bài