Đó là một quán cà phê nhỏ nằm trong hẻm vắng, nhạc êm dịu, một bụi trúc lơ phơ nơi góc sân… Quán chỉ có năm cái bàn, hai mươi chiếc ghế… nhưng chưa bao giờ đầy, có lẽ vì ông chủ quán lơ đãng luôn thích ngồi đọc sách hơn là chăm chút khách. Kiên vẫn bảo Rainy là một ví dụ thất bại về mặt kinh doanh… Nhưng đó là nơi tôi thường đến, nó tĩnh lặng và gần nhà trọ. Rainy. Buổi hẹn hò đầu tiên. Tôi chống cằm nghe Kiên kể về tuổi thơ và một thời bôn ba của mình. - Tôi lang thang từ năm 14 tuổi, làm đủ thứ việc, nhiều nhất là thợ hồ, rồi học hàng hải, sau đó làm thủy thủ. Buôn lậu, em biết rồi… Năm 92 tôi gặp “tai nạn”, thế là lên bờ, tôi tưởng mình hết đường, nhưng lại loay hoay, rồi học quản trị kinh doanh, qua bốn năm chỗ làm trong ba năm, giờ làm giám đốc tiếp thị cho công ty Y… Chỉ công việc và công việc, nếu tính ngày làm 8 tiếng thì có khi tôi làm 40 ngày một tháng… đôi khi thật cô đơn… Tôi nhìn khuôn mặt xương xương, rắn rỏi, đột nhiên nhận ra cả nụ cười của Kiên cũng quen thuộc lạ lùng, đến độ tôi muốn phát khóc lên… Anh mang lại cho tôi cảm giác ấm áp, thứ cảm giác mà tôi chỉ có được từ ba.
Rainy. Buổi hẹn hò thứ hai. Tôi đố anh, cái gì mênh mông, sâu thẳm và dịu dàng. Kiên lắc đầu.Chịu. - Nó có màu đen - Tôi cố nài… - À, cà phê. - Không phải, nếu là cà phê thì em sẽ nói: đen và trắng. Cái gì? - Tóc em. - Không. Đó là đêm. - Ngớ ngẩn - Anh phì cười. Tôi kể cho anh nghe rằng tôi rất nhớ những ngày đông Đà Lạt, khi tôi ngồi bên thềm nhà vào những buổi tối. Nghe mùi đất tan trong mùi cần tây, mùi bắp cải ủng , mùi hương hoa hồng, mùi nhựa thông, mùi sương lạnh… Trong trẻo. Tôi yêu nơi đó, những cơn dốc vàng hoa dã qùy vào tháng chạp. Tôi kể cho anh nghe về ba, người đã chăm chút tôi như một báu vật từ khi mẹ tôi mất, về Nghi, đứa bạn thân nhất thời thơ ấu của tôi. Nghi đẹp như vẽ, má rám hồng, môi cong, mắt lá răm, mày lá liễu, tóc quăn từng lọn. Vẻ đẹp mạnh mẽ và in rất sâu, dễ làm người ta nghĩ Nghi sắc sảo và đanh đá, nhưng trái lại, Nghi luôn từ tốn và im lìm. Nghi chỉ nói chuyện với tôi, chơi với tôi, chẳng hiểu sao. Có lẽ vì cha con tôi chưa bao giờ thì thầm sau lưng Nghi về mẹ nó, cũng có lẽ vì chúng tôi giống nhau, tôi mồ côi mẹ, Nghi không có cha. Hết phổ thông, tôi xuống Sài Gòn học ĐH Kinh tế… còn Nghi ở lại trồng hoa, rồi sẽ tìm một người đàn ông tốt và lấy người đó làm chồng, vì mẹ Nghi muốn thế… Tôi kể về mẹ Nghi. Một người đàn bà đẹp và kiêu hãnh, và thật lạ lùng. Bà nội tôi nói “Làm đĩ mười phương còn chừa một phương lấy chồng ” nhưng mẹ Nghi thật dại dột khi chừa lại một quê nhà, bởi đó là nơi tất cả mọi người đều nhớ rõ ngày một cô gái đẹp ra đi, ngày một người đàn bà trở về, đem theo đứa con mang họ mẹ… Số tiền bà gửi về cho người mẹ già chữa bệnh, nuôi đứa em đi học đại học… không thể biện minh cho những năm tháng đầy tai tiếng. Nhưng dẫu sao, có Nghi rồi thì bà thay đổi, bà về quê, mua một mảnh vườn nhỏ, lặng lẽ với nghề trồng hoa… Sự lặng lẽ khiến người ta để bà sống yên ổn, thỉnh thoảng chỉ xì xào bàn tán sau lưng… Mọi người thường bảo Nghi giống mẹ, rồi tặc lưỡi nói thêm, có muốn bảo giống cha cũng không được, vì ngoài mẹ Nghi, có trời mới biết cha Nghi là ai giữa hàng tá người đàn ông đi qua đời bà trong chừng ấy năm trời lang bạt. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với mẹ Nghi quá hai câu. Bà có vẻ lạnh lùng và kiêu sa kỳ lạ của một người đàn bà biết mình đẹp và biết rõ mọi người xung quanh coi thường mình. Ba tôi thường trầm ngâm hẳn đi mỗi khi nhìn thấy bà gánh hoa ngang qua nhà vào mỗi sáng, quấn quanh cổ chiếc khăn len màu đỏ, đầu luôn ngẩng cao, đôi mắt giống hệt mắt Nghi, luôn mở to, mạnh mẽ nhưng buồn vô hạn… Nếu lúc đó, ba đang tưới rau, hẳn ba sẽ đứng sững lại, rồi lặng lẽ gục đầu xuống khi bà đã khuất bóng nơi ngã rẽ, để mặc nước trải lênh láng… Tôi nghĩ, ba yêu bà ấy. Tôi kể với anh, Đà Lạt trong tôi chỉ có vậy, vườn rau của ba tôi, những gánh hoa của mẹ Nghi, những con dốc mà Nghi và tôi thường đèo nhau chạy suốt buổi chiều, những buổi tối tôi ngồi một mình và phát hiện ra rằng đêm rất mênh mông, sâu thẳm và dịu dàng… Chỉ thế thôi nhưng tôi nhớ lắm. Rainy. Buổi hẹn hò thứ ba. - Em hỏi tình yêu là gì ư? Đó là sự ám ảnh. Ví như nghề tiếp thị của anh vậy, em nhìn thấy một câu khẩu hiệu thú vị, một hình ảnh quảng cáo cà phê ngộ nghĩnh, nó đập vào mắt, một cách tình cờ, hay do nhìn thấy khắp mọi nơi chung quanh mình, rồi ăn sâu vào tiềm thức, và mỗi khi uống cà phê, mỗi khi đến quán cà phê em lại nhớ. Người ta gọi nó là sự ám ảnh. Anh bây giờ cũng vậy. Đó là buổi chiều anh gặp em ngồi trong một quán kem ở hồ con rùa, vừa chóp chép nhai bò bía vừa chúi mũi vào cuốn sách trong hoàng hôn nhập nhoạng. Hình ảnh đó thu hút anh, làm anh hoang mang, ám ảnh anh trong cả giấc ngủ. Nên anh biết anh yêu. Lúc ấy, cả hai và tôi điều không biết rằng, anh sẽ mất đến hai năm mới phát hiện ra là ngoài hình ảnh đó tôi không còn gì ám ảnh anh nữa.
Rainy. Tôi ngồi trước Nghi với vẻ mặt kiêu hãnh của người thua cuộc. Ba tuần trước, Kiên lên Đà Lạt cùng với công ty, tôi ngu ngốc nhờ anh đến nhà Nghi để gởi mấy cuốn sách tôi cho Nghi mượn. Chỉ hai ngày sau và tất cả thay đổi… Anh gọi điện để nói một câu ngượng nghịu, anh xin lỗi, rồi thôi… Lòng tôi tan nát. Ngày xưa, khi Nghi về đích trước tôi trong hội khỏe Phù Đổng của trường, Nghi đã nói: “Nếu chạy một mình, hay nếu luôn dẫn đầu, Lam sẽ không biết mình chạy nhanh hay chậm. Còn Nghi, phía trước Nghi là Lam, Nghi biết Nghi phải vượt lên và lúc nào thì Nghi cần tăng tốc. Nghi thắng, vì chính Lam đã dẫn đầu suốt cuộc đua”. Đôi khi, cuộc đời cũng vậy… Người ta không được phép chủ quan khi chưa đến đích. Đáng lý ra, tôi không nên để anh gặp một cô gái đẹp và có sức ám ảnh hơn tôi… Nghi chấm ngón tay vào ly trà rồi vẽ lên mặt bàn những đường loằng ngoằng bằng nước, ngập ngừng: - Tụi mình thấy có lỗi với Lam. Tôi bảo: - Không sao cả, Lam với anh Kiên cũng chưa có gì sâu đậm. Nếu anh ấy thật sự yêu Nghi… - Anh ấy nói với Nghi tình yêu là sự ám ảnh. Có lẽ anh ấy đã nghe Lam nói quá nhiều về Nghi. Tôi mỉm cười, thấy nhoi nhói. Tôi biết Nghi không phải là đứa hồn nhiên, hay vô duyên… Nhưng lúc này Nghi thật tàn nhẫn, và ngớ ngẩn nhất là Nghi tin rằng sự tàn nhẫn ấy tốt cho tôi. …Anh ấy khen Nghi đẹp…một vẻ đẹp làm anh ấy hoang mang… Tôi cũng biết Nghi đẹp, đẹp như vẽ, còn tôi, những thằng bạn cùng lớp vẫn than phiền một cách thân thiện: “Trời ơi, làm con gái mà cũng bày đặt làm xấu nữa kìa!”. Tôi biết mình không đẹp, không xấu, vẻ mặt đó người ta gọi là nhạt nhẽo. Nhưng mũi tôi cao nên nhìn nghiêng trông rất hay. Đó là ba nói vậy. Năm tôi 18 tuổi, quà sinh nhật của ba là một bộ trang điểm. Ba âu yếm ngồi nhìn tôi vừa sung sức vừa ngượng nghịu tô một vòng son. “Làm con gái phải biết trang điểm, nghe con”. Và nhìn xa xôi ra ngoài cửa sổ, ba lẩm nhẩm đọc: “Em về điểm phấn tô son lại. Ngạo với nhân gian một nét cười”. Không hiểu sao, tôi lại nghĩ đến mẹ Nghi khi ba đọc câu đó, và không hiểu sao tôi tin rằng cả ba cũng đang nghĩ đến bà. Nghi nói nhỏ: - Bọn mình sẽ cưới nhau. Mẹ Nghi cũng muốn vậy. “Tìm một người đàn ông tốt và lấy người đó làm chồng”, tôi biết đó là ao ước lớn nhất của một người đàn bà đầy tổn thương dành cho con gái mình, dù họ mới gặp nhau có ba tuần. Anh có đúng là người đàn ông tốt của Nghi không? Tôi không biết nữa. Sự thú nhận của anh có vẻ như chứng tỏ một tình yêu thật sự…nó làm tôi tiêu tan hết dũng khí chiến đấu, hết khao khát giành giật anh trở lại. Chỉ thấy đau. Tình yêu là sự ám ảnh. Và bây giờ, nó đang ám ảnh tôi…một khuôn mặt xương xương… Trước khi rời khỏi quán, Nghi ngoái lại:” À quên, hình như ba Lam định cưới mẹ Nghi đó. Biết chưa?” Tôi không hiểu sao mắt Nghi lại có vẻ hân hoan đến thế, như vừa chiếm được người yêu của tôi lần thứ hai vậy. Còn lại một mình, tôi oà khóc…
Rainy. - Lam à, ba có chuyện quan trọng định bàn với con. Đây là lần đầu tiên, ba xuống Sài Gòn thăm tôi. Tôi mỉm cười. - Con biết rồi, nếu ba đã quyết định thì con chúc ba và cô ấy hạnh phúc… - Làm sao con biết đựơc? - Từ lâu lắm, từ ngày ba đọc”Em về điểm phấn tô son lại. Ngạo với nhân gian một nét cười”. Từ ngày ba trầm ngâm nhìn người đàn bà quấn chiếc khăn len màu đỏ, lặng lẽ gánh hoa đi ngang nhà, mắt nhìn thẳng, đầu ngẩng cao. Không hiểu tại sao. Ba nắm chặt tay tôi. Ngày xưa, xưa lắm, khi ba chưa lấy mẹ, khi gia đình ngoại Nghi chưa xa sút và khi mẹ Nghi chưa đi theo một người đàn ông lạ để rồi sa vào vòng lầm lạc. Ngày đó ba yêu, nhưng mẹ Nghi thì không. Còn bây giờ, ba thương. Và mẹ Nghi cần một điểm tựa. Cũng như tôi, ba phân biệt rõ ràng hai loại tình cảm đó. Tình yêu là gì? Đó là cảm giác thắt lại khi ta nhìn thấy người ấy, nó vỡ oà một cảm giác yêu thương trong trái tim, lan toả ra từng tế bào, đến tận đầu những ngón tay…nhưng đôi khi nó làm người ta đau đớn. Tình yêu, nó sâu thẳm, nhọn hoắt, và dễ làm tổn thương… Tôi luôn thấy tình thương thì an toàn hơn tình yêu. Tình thương như một dải lụa, êm dịu, mượt mà, dễ lan toả, và dai dẳng nữa, giống như đêm… Tôi vẫn muốn yêu như là thương, giống như tình cảm ba dành cho bà ấy vậy.
Rainy. Quán chỉ có hai người. Tôi và một người đàn ông trẻ, áo xanh, cà vạt đỏ với những chấm đen khéo léo… - Anh cũng đi cà phê một mình à? - Phải, ngày cuối năm, người ta cần một chỗ yên tĩnh để suy nghĩ, đúng không? - Trông anh thật trịnh trọng. Chẳng ai đi cà phê một mình với bộ dạng trịnh trọng như thế này… Anh ta nghĩ ngợi - Khuôn mặt cô nhìn nghiêng, ly cà phê, có cái gì đó cô đơn và thu hút nữa… Tôi là hoạ sĩ, hôm nào cô làm mẫu cho tôi vẽ được không? Ồ, cô đừng lo chỉ khuôn mặt thôi, khuôn mặt nhìn nghiêng và ly cà phê.. Tôi mỉm cười, và tin rằng đấy là nụ cười duyên dáng nhất của mình. Tôi hỏi, nếu anh trả lời được thì tôi đồng ý. Cái gì mênh mông, sâu thẳm, và dịu dàng. - Đêm - anh ta phá lên cười - Phải không? Tôi hốt hoảng, im lặng. Điện thoại cầm tay reo bài Happy New Year…Anh ta liếc tôi, rất nhẹ. “Ừ, anh đây, em về rồi hả. Ừ, anh đến ngay? Anh cũng nhớ em”, quay sang tôi, anh ta nói, “Thôi, tôi phải đi đây. Nếu đồng ý thì gọi cho tôi nhé” Anh ta đặt lên bàn tấm danh thiếp rồi vội vã bước đi, không thèm ngóai nhìn tôi một lần… Cái gì sâu thẳm, dịu dàng và mênh mông…Nghi bảo đó là câu hỏi để tìm người yêu của tôi. Thế nhưng từ trước đến nay tôi luôn hỏi nhầm người, cả người trả lời đúng lẫn người trả lời sai. Tôi nhớ tiếng cười của Kiên khi tôi nó đó là Đêm. “Ngớ ngẩn”. Có lẽ tôi ngớ ngẩn thật. Ông chủ quán người Huế ngồi xuống bên cạnh từ lúc nào. - Sắp Tết rồi. Cô có về quê không? - Phải về chứ bác, có lẽ vài hôm nữa. - Mai tôi cũng về chắc ở luôn ngoài ấy. - Còn Rainy? - Tôi sang lại cho thằng cháu họ - Ông nói vẻ tự hào - Nó chắc cũng bằng tuổi cô, vừa tốt nghiệp kinh tế đã muốn kinh doanh ngay. Bọn trẻ bây giờ giỏi thật. Nó bảo sao Tết phải sửa sang thay đổi cứ điểm đẹp mà để lèo tèo khách thế này uổng quá…tôi thì không có khiếu làm ăn. Vậy đó, cả Rainy rồi cũng thay đổi thôi. Tôi chạy xe ra khỏi con hẻm nhỏ, gió lao xao thả xuống vai tôi vài chiếc lá. Có lần, Kiên bảo rằng, Sài Gòn cũng có một mùa rụng lá, đó là khi đoạn đường Lê Duẩn ngang công viên 30 tháng 4, ngay vòng xoay nhà thờ Đức Bà phủ đầy lá vàng, chúng vỡ rôm rốp dưới bánh xe. Sài Gòn trở nên hiền hoà, lãng mạn và thơ mộng hơn bao giờ hết… Ba nói gì về những chiếc lá khô nhỉ? Con có thể nhìn thấy chúng trên những cây cao, trên chót đầu của những cành khẳng khiu điều nhú ra một mầm xanh bé tí. Trong vài tháng nữa, mỗi cây sẽ được bao phủ bởi cả một vòm xanh rậm lá, thấm đẫm ánh mặt trời. Không có g ì sống động hơn, tràn trề nhựa sống hơn hình ảnh đó. Thế nhưng, rải dầy quanh gốc cây là những chiếc lá khô vỡ vụn, những chiếc lá mùa trước vẫn còn xanh, rồi ngả vàng rực rỡ, bây giờ tan dần vào trong đất. Chỉ một cái nhìn thoáng qua toàn bộ khung cảnh đó, chúng ta nhận ra vòng tuần hoàn của cuộc sống, và một cơ hội luôn luôn tồn tại, cho cái mới, cho sự khởi đầu. Còn chúng ta thì sao? Có chăng thời kỳ mùa xuân cho con người? Hay chúng ta chỉ sống từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc theo một con đường định sẵn? Ta có thể làm mới chính mình như không khí và cây cối? Ta có thể giũ sạch những thói quen của cách cư xử, của một cuộc đời đã từng tràn trề sức sống nhưng bây giờ không còn sinh khí nữa? Và những kinh nghiệm mà chúng ta chồng chất qua những tháng năm vui buồn có lấp kín đời ta? Đừng để nó lấp kín đời ta, con gái ạ. Ba cũng nói với mẹ Nghi như vậy…Hãy bước qua nỗi đau và làm mới chính mình... Tôi ngẩng đầu lên, chẳng biết mình đang cười hay khóc. Tôi ít nghĩ đến mẹ…thường thì tôi ít nhớ bà, nhưng trong giây phút này tôi lại nhớ… những con người không bao giờ có cơ hội làm mới chính mình lần nữa. Bây giờ, vào ngày đầu xuân tôi chạy vòng quanh và nhận ra Sài Gòn đã qua mùa lá rụng…những mầm xanh đang nhú lên ở trên cao và bắt đầu một vòng đời mới, những vòm lá một thời gian sau sẽ hiện ra mới mẻ và xanh tươi. Như Rainy vậy.
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc. * Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết. * Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.
-Nếu chèn smilies có vấn đề thì bấm A/a trên phải khung viết bài