Tiêu đề: lời khuyên cho các bạn yêu thích Graffiti
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước trên thế giới gọi Graffiti là nghệ thuật tội lỗi (Art crimes). Thực tế, Graffiti đã gây cho chính quyền nhiều đô thị lớn trên thế giới những cơn “đau đầu kinh niên”. Và nhiều nơi đã gọi Graffiti là hiểm hoạ của những đô thị...
Vậy Graffiti là gì?
Theo nghĩa gốc, Graffiti là tranh (hoặc ký hiệu) của con người thời cổ đại khắc trên những vách hang động. Trong xã hội phương Tây xưa, Graffiti còn ám chỉ những bức hí họa khá đơn giản trên các khu vực sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, Graffiti chỉ còn giới hạn nghĩa, ám chỉ những bức tranh tường do giới thanh niên trong trào lưu hip-hop vẽ lên những khoảng tường, hay bất cứ mặt phẳng nào mà họ tìm được trên đường phố, khu dân cư.
Graffiti là một trong 3 bộ phận đặc trưng của văn hoá hip-hop (gồm Breakdance, Rap và Graffiti). Cùng với trào lưu du nhập văn hoá hip-hop vào Việt Nam, Graffiti đã bắt đầu hiện diện trên đường phố, khu dân cư. Với biểu hiện là những bức vẽ, ký tự viết theo lối ấn tượng, loè loẹt, phô diễn một cách thái quá nhằm mục đích thu hút sự chú ý của mọi người.
Cuối năm 2004, lần đầu tiên tại Việt Nam có một đêm diễn chính thức những vũ điệu breakdance của 15 nhóm breakdance trong nước với bộ tứ Havijoko đến từ nước Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên breakdance được mọi người chú ý đến với tư cách là một nghệ thuật trình diễn độc lập (Trước đó vẫn có khá nhiều nhóm breakdance trong nước biểu diễn minh hoạ cho các ca khúc sôi động). Và cũng bắt đầu từ thời điểm đó người ta nhắc nhiều đến văn hoá hip-hop.
Thực ra thứ văn hoá đã bắt đầu xâm nhập vào giới trẻ của Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90 (TK20) qua những vũ điệu breakdance, và các bản nhạc rap. Làn sóng hip-hop được tiếp sức khi có nhiều phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến.
Theo PGS Đặng Cảnh Khanh-Giám đốc viện nghiên cứu thanh niên-xét theo khía cạnh hip-hop là một phần của tiểu văn hoá thanh niên thì cũng có những cái hay của nó: “Khiến các nhà khoa học xã hội nhận ra rằng bên cạnh dòng văn hoá chính thống của xã hội còn có một dòng chảy văn hoá khác. Dòng chảy ấy có thể là ít khuôn phép, ít bài bản và không hàn lâm nhưng lại rất mạnh mẽ và sáng tạo”. Tuy nhiên, mặt trái của hip-hop cũng đã xuất hiện.
Graffiti-tai họa với nhiều đô thị trên thế giới
Thực tế tại nhiều đô thị trên thế giới, graffiti hoành hành như một thứ dịch bệnh không thể ngăn cản nổi. Mỗi năm các thành phố lớn như Niu Y-oóc, Luân Đôn, Mông-trê-an… phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để “tân trang” lại bộ mặt thành phố.
Nhiều nơi đưa ra giải pháp xây dựng những tuyến phố dành riêng cho graffiti, nhưng những bức tranh tường này vẫn lan tràn khắp nơi khiến thành phố ngổn ngang những màu sắc nhức mắt. Chính quyền phải yêu cầu cảnh sát bắt phạt những đối tượng vẽ bậy. Nhưng đến nay vấn nạn graffiti vẫn chưa thể giải quyết hoàn toàn.
Và manh nha đe dọa Việt Nam
Ở Việt Nam, vài năm gần đây những bức tranh tường của “dân” hip-hop đã trở nên khá phổ biến. Từ trong lòng thành phố ra tới vùng ngoại ô, khu dân cư mới quy hoạch, vẫn thấy bóng dáng của graffiti.
Gặp một số hộ dân ở tổ 60 phường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội), đa số tỏ ra rất bức xúc với những hình ảnh loằng ngoằng vẽ trên tường nhà mình; nhiều người nói: “Đây thật sự là một hành động phi văn hoá. Nếu họ (dân hip-hop) thích thì cứ về vẽ ở trong nhà mình mà ngắm, ai cấm? Đằng này, khắp tường phố chỗ nào cũng thấy những hình, những chữ khó hiểu, gai mắt không thể chịu nổi”.
Anh công an khu vực xin không nêu tên trên báo nói rằng: “Chúng tôi cũng chưa có biện pháp xử lý, nếu bắt quả tang đối tượng vẽ bậy thì chỉ nhắc nhở bắt tẩy xoá, cùng lắm thì chỉ phạt hành chính vì lỗi gây mất mỹ quan thành phố. Vả lại, những đối tượng vẽ bậy thường vẽ vào buổi đêm nên việc bắt quả tang là rất khó”.
Thực tế chỉ với một vài lọ sơn xì giá chưa tới 20 nghìn đồng một lọ, dân hip-hop có thể tha hồ vẽ, làm “đau đầu, nhức mắt” người khác. Tới một quán cà phê có khá nhiều graffiti nằm gần trường Cán bộ thương mại, hỏi dò chủ quán vẽ một bức như vậy có khó không và mất thời gian bao lâu, Tuấn-chủ quán-nhìn những mảng tường loè loẹt graffiti hãnh diện: “Ba tuần đấy, ngốn hết 400 nghìn tiền sơn. Mà phải là loại tay nghề “cứng” mới vẽ được như vậy”. “Vậy những bức tranh trên tường ngoài đường kia thì mất bao lâu?- Tuấn đáp cộc lốc: “10 phút. Mà cũng tuỳ!”.
Được biết ngay cả “dân” hip-hop “xịn” cũng không thích giới mình vẽ bậy. Lê Anh Phước-quản trị trang web Viethiphop nói: “Theo suy nghĩ của tôi, chúng ta chưa có các nghệ sĩ graffiti "đủ tầm" để cho ra đời một tác phẩm đúng nghĩa. Lời khuyên của tôi cho các bạn trẻ yêu thích graffiti là chỉ nên dừng lại ở các phác thảo trên giấy. Bởi việc xịt sơn lên tường nơi công cộng hay nhà riêng của người khác rõ ràng là vi phạm pháp luật".
Báo chí đã thông tin tuyên truyền nhiều, nhưng đâu đó vẫn có một bộ phận “cư dân” hip-hop muốn làm những việc bất quy tắc, bất chấp sự khó chịu của người khác. Liệu trong tương lai, chúng ta có phải tổ chức một cuộc làm sạch graffiti như với nạn “Khoan cắt bê-tông” trước kia không?
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc. * Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết. * Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.
-Nếu chèn smilies có vấn đề thì bấm A/a trên phải khung viết bài